Căn nhà số 14 (số cũ) đường Tự Quyết, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM có diện tích hơn 500m2 do ông Đào Văn Tùng đứng tên chủ sở hữu từ trước năm 1975. Năm 1982, ông Tùng qua đời, để lại căn nhà cho hai con là Đào Văn Kiểm và Đào Văn Long sử dụng. Năm 1985, ông Long xuất cảnh và có đơn giao lại căn nhà trên cho Nhà nước.
Bán nhà thuê của Nhà nước
Tháng 7-1996, UBND TP.HCM ban hành quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với căn nhà trên và sau đó Công ty Dịch vụ giao thông đô thị quận Tân Bình ký hợp đồng cho ông Kiểm thuê thời hạn 60 tháng.
Năm 1998, ông Kiểm đã phân căn nhà thành 3 căn (địa chỉ hiện nay là 19A-21-23 Tự Quyết) với diện tích khác nhau và bán giấy tay cho 3 chủ sử dụng là hộ ông Phạm Chí Sơn, ông Hồ Tiền và vợ chồng ông Trần Văn Ngọc.
Đến năm 2001, ông Kiểm tranh chấp với 3 hộ trên để đòi lại nhà đã bán.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng, vào giữa năm 2001, Sở Địa chính - nhà đất (nay là Sở Xây dựng) truyền đạt ý kiến của UBND TP chấp thuận bán căn nhà sở hữu nhà nước cho ông Kiểm theo nghị định 61. Tháng 12-2001, ông Kiểm nộp hồ sơ mua nhà theo nghị định 61 tại Hội đồng bán nhà quận Tân Bình nhưng chưa được xem xét do có tranh chấp.
"Đến nay, căn nhà trên vẫn là nhà thuộc sở hữu nhà nước. Việc mua bán nhà trên là không phù hợp quy định" - Sở Xây dựng khẳng định.
Ông Phạm Chí Sơn đứng trước căn nhà số 21 Tự Quyết mà ông mua của ông Kiểm từ năm 1998 - Ảnh: T.AN
Việc tranh chấp kéo dài đến năm 2006 thì ông Kiểm khởi kiện 3 người đã mua nhà (ông Sơn, ông Tiền, ông Ngọc) và TAND quận Tân Phú thụ lý giải quyết.
Lúc này, một người khác là ông Đào Văn Quảng cũng gửi đơn đến TAND quận Tân Phú khởi kiện ông Kiểm. Theo nội dung khởi kiện, ông Quảng đã hợp đồng mua bán căn nhà số 14 Tự Quyết của ông Kiểm với giá 350 lượng vàng SJC. Việc mua bán thực hiện bên Mỹ, có đầy đủ xác nhận từ cơ quan chức năng của Mỹ. Do có yếu tố nước ngoài nên TAND quận Tân Phú chuyển hồ sơ vụ việc đến TAND TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền.
Năm 2015, TAND TP.HCM đưa vụ tranh chấp căn nhà nói trên ra xét xử sơ thẩm. Lúc này, người bị kiện chỉ còn ông Phạm Chí Sơn và các con. Tại tòa, ông Võ Ngọc Đúng - đại diện đội quản lý nhà sở hữu nhà nước quận Tân Phú - đề nghị tòa tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà giữa ông Sơn và ông Kiểm vì đây là nhà thuộc sở hữu nhà nước. Tòa án đã tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà và yêu cầu phía ông Sơn phải trả nhà cho ông Kiểm.
Cách giải quyết khó hiểu
Đến năm 2016, ông Kiểm qua đời, con trai ông Kiểm kế thừa nghĩa vụ tố tụng. Năm 2017, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm. Ông Võ Ngọc Đúng tiếp tục đề nghị tòa hủy hợp đồng mua bán nhà nói trên và được tòa chấp nhận, yêu cầu phía ông Sơn phải trả lại nhà đất cho người thừa kế của ông Kiểm.
Điều đáng chú ý là việc tranh chấp đòi lại nhà đã bán giữa ông Kiểm và 3 người mua đã được các cơ quan chức năng biết đến từ năm 2001. Tuy nhiên năm 2004, Công ty Dịch vụ giao thông đô thị quận Tân Bình vẫn tiếp tục ký hợp đồng cho ông Kiểm thuê nhà thời hạn 60 tháng. Đến năm 2010, đội quản lý nhà quận Tân Phú (tách ra từ quận Tân Bình) tiếp tục ký hợp đồng cho ông Kiểm thuê nhà, thời hạn 60 tháng.
Mặt khác, hợp đồng thuê nhà của ông Kiểm hết hạn vào năm 2015 và không được gia hạn. Do đó đến khi qua đời năm 2016, ông Kiểm không còn tư cách người thuê, sử dụng nhà. Thế nhưng tòa cấp phúc thẩm vẫn tuyên buộc ông Sơn phải trả nhà cho người thừa kế ông Kiểm.
Trong khi năm 2010, Ủy ban MTTQ quận Tân Phú cũng có văn bản đề nghị thường trực UBND quận xem xét lại hợp đồng cho ông Kiểm thuê nhà với lý do ông Kiểm không có nhu cầu nhà ở, lợi dụng hợp đồng thuê để bán cho nhiều người. Ngoài ra, Ban pháp chế HĐND TP cũng có công văn gửi cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP đề nghị rà soát lại quy định thi hành án và lưu ý về hoàn cảnh gia đình của ông Sơn để giải quyết hợp tình hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Công an P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú cũng xác nhận ông Kiểm và gia đình đã chuyển đi đâu không rõ, không còn cư trú tại địa phương.
Và đến nay do những vướng mắc nói trên, bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thể thi hành và gia đình ông Sơn tiếp tục khiếu nại khắp nơi.