Nhà đầu tư có tài chính tốt “lưỡng lự” xuống tiền
Bên cạnh các nhà đầu tư phòng thủ hoặc “cố thủ”, không xuống tiền mua BĐS ở thời điểm này thì không ít trường hợp vẫn ở trạng thái giằng co. Tức, họ vừa muốn “săn” BĐS vì sợ lỡ cơ hội, vừa nghe ngóng và cố chờ đợi thêm tín hiệu từ thị trường.
Tâm lý này xuất phát từ các yếu tố chính sách tín dụng chưa ổn định. Nhiều người mua ngần ngại tham gia thị trường vì lãi suất ngân hàng liên tục tăng. Trong khi, việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn. Một bộ phận nhà đầu tư dù có tài chính sẵn nhưng e dè vì có thể chôn vốn khi người mua tham gia thị trường khá ít.
Thông tin nới room tín dụng thêm 1,5-2% mới đây phần nào mang đến “chút hi vọng” cho nhà đầu tư. Theo đó, trên các diễn đàn đầu tư BĐ S đang xuất hiện các luồng ý kiến trái chiều về việc đầu tư đón đầu vào thời điểm trầm lắng hay tích trữ vốn chờ tín hiệu rõ ràng hơn. Nhiều người cho rằng, có thể qua năm 2023, chính sách tín dụng “cởi mở thực sự” là cơ hội cho những ai đi trước đón đầu.
Không ít nhóm đầu tư cho rằng, khi có dòng vốn nhàn rỗi thì nên chốt các giao dịch BĐS tiềm năng để làm đầy giỏ hàng cuối năm, chuẩn bị cho mùa giao dịch vào quý 2/2023. Nhiều người lại tính toán đến phương án giữa việc kinh doanh và đầu tư BĐS nên ưu tiên dòng vốn sẵn cho bên nào. Họ tin rằng có thể vay ngân hàng vào cuối năm nay bù đắp vào việc kinh doanh, còn tiền nhàn rỗi đem bỏ vào đất. Năm sau, thị trường phục hồi thì khoản đầu tư đó lời tốt. Không ít nhóm đầu tư đã “ngắm nghía” các sản phẩm tốt, đang giảm giá chỉ cần gom đủ vốn là thương lượng hoặc “ép giá”. Hoạt động gom hàng tuy đã âm thầm diễn ra trên thị trường BĐS nhưng nhìn chung chưa bùng nổ vì tâm lý nhà đầu tư còn khá e dè.
“Hiện tôi gửi phần lớn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng để đón lãi suất huy động cao . Nhìn chung thời điểm này dự trữ tiền mặt vẫn hơn là đầu tư. Đồng thời, tôi vừa tập trung vào sản xuất kinh doanh, vừa quan sát thị trường BĐS để tìm điểm rơi”, một nhà đầu tư BĐS chia sẻ.
Thị trường BĐS chưa thể có các tín hiệu trong ngắn hạn
Đa số các chuyên gia, nhà đầu tư đều rằng thị trường BĐS chưa thể có các tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.
Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định thị trường có những điều chỉnh đi xuống nhưng tốc độ giảm còn thấp, mức giảm cũng chưa cao, chưa thể coi là đáy. Với các nhà đầu tư muốn hạn chế rủi ro thì nên quan sát thêm đến quý 2/2023 để nắm bắt được xu hướng của thị trường. Có thể, qua Tết thị trường BĐS sẽ bình ổn lại, đến quý 3, quý 4 năm sau, thị trường sẽ tăng trưởng ổn định.
Vị này cho rằng, nhà đầu tư cũng không nên quá e dè khi có sẵn tài chính. Khi đã xác định được sản phẩm muốn mua hãy dành 2 tuần để quan sát. Bên cạnh việc khảo sát mặt bằng giá ở khu vực, hay chú ý đến mức giảm giá của sản phẩm. Nếu thấy mức điều chỉnh giá từ 3-7% trong thời gian này thì khả năng cao chủ đang đang “ngộp” có nhu cầu thoát hàng nhanh. Nhà đầu tư không nên tìm kiếm dàn trải mà tập trung vào các loại BĐS sát trung tâm nhằm hạn chế rủi ro. Pháp lý của sản phẩm cũng là một yếu tố nhà đầu tư nên tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, nhà đầu tư nên chọn sản phẩm mà mình có kinh nghiệm đầu tư để dễ dàng thương lượng, mua vào giá tốt.
Còn ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân thì cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng trong thời gian tới do kinh tế vĩ mô và bối cảnh thị trường hiện đang ở pha điều chỉnh mạnh. Bên cạnh giá giao dịch BĐS, các yếu tố về luật Đất đai, siết room tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản thị trường.
Là một nhà đầu tư BĐS lâu năm trên thị trường, anh Minh, ngụ Tp.HCM đánh giá, nếu nhà đầu tư nào cũng chăm chăm vào việc chờ “đáy” có thể sẽ mất cơ hội. Thị trường hiện tại khác giai đoạn khủng hoảng 2011-2013, nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm và tài chính tốt hơn với BĐS. Vì thế, việc chờ hàng lỗ sâu để mua vào là rất khó tìm kiếm. Với những BĐS có tiềm năng, vị trí đẹp, mức giảm từ 7-15% so với mặt bằng chung thị trường là có thể mua vào và chờ đợi cơ hội mới.